Interferon alfa-n1
Phân loại:
Dược chất
Mô tả:
Tên thuốc gốc (Hoạt chất)
Interferon alfa - n1 (thuốc đã ngưng lưu hành).
Loại thuốc
Interferon. Chất điều biến miễn dịch, thuốc chống ung thư, thuốc kháng virus.
Dạng thuốc và hàm lượng
Dung dịch tiêm chứa 3, 5, 10 MU/1 ml.
Dược động học:
Hấp thu và phân bố
Interferon alfa phải được dùng đường tiêm vì thuốc sẽ bị giáng hóa qua đường tiêu hóa do các enzym tiêu protein. Interferon alfa hấp thu tốt sau khi tiêm bắp hoặc tiêm dưới da; liều hấp thu sau tiêm bắp hoặc dưới da trên 80%. Nồng độ đỉnh interferon alfa huyết thanh sau tiêm tĩnh mạch đạt được trong vòng 15 - 60 phút và cao hơn nhiều so với tiêm bắp hoặc dưới da.
Tuy vậy, nồng độ interferon alfa sau tiêm bắp hoặc dưới da được duy trì lâu hơn so với khi tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch nhanh (như 40 phút hoặc ít hơn). Sau khi tiêm dưới da interferon alfa, nồng độ huyết thanh và thời gian đạt được tương tự như khi tiêm bắp, tuy nồng độ đỉnh thuốc huyết thanh đạt được chậm hơn đôi chút.
Thải trừ và chuyển hóa
Thời gian bán thải là 1,2 giờ (thí nghiệm trong ống nghiệm với hồng cầu lưới của động vật có vú), trên 20 giờ (trong cơ thể nam) và trên 10 giờ (trong tế bào Escherichia coli).
Dược lực học:
Interferon là một họ gồm nhiều phân tử protein nhỏ có khối lượng phân tử khoảng 15 000 tới 21 000 dalton. Interferon được tiết ra từ các tế bào để đáp ứng với nhiễm virus hoặc với các chất gây cảm ứng sinh học và chất tổng hợp khác. Đã xác định được 3 lớp chính interferon: alfa, beta, và gamma. Bản thân 3 lớp chính đó cũng không thuần nhất và có thể tập hợp lại nhiều loại phân tử interferon khác nhau. Trên 14 interferon alfa khác nhau về di truyền ở người đã được xác định.
Khi cố định vào màng tế bào, interferon khởi phát một chuỗi phản ứng nội bào phức tạp và đặc biệt kích thích một số enzym, gây ra các đáp ứng khác nhau của tế bào đối với interferon, như ức chế sao chép của virus trong các tế bào bị nhiễm virus, ức chế tăng sinh tế bào và các hoạt tính điều biến miễn dịch như tăng hoạt tính thực bào của các đại thực bào và tăng tính độc hại tế bào đặc hiệu của tế bào lympho đối với các tế bào đích.
Cụ thể, Interferon alfa liên kết với thụ thể interferon loại I (IFNAR1 và IFNAR2c), qua quá trình dime hóa, kích hoạt hai kinase tyrosine Jak (Jak1 và Tyk2). Sau đó tự transphosphoryl và phosphoryl hóa các thụ thể. Sau đó, các thụ thể INFAR đã phosphoryl hóa sẽ liên kết với Stat1 và Stat2 (chất dẫn truyền tín hiệu và chất kích hoạt quá trình phiên mã), điều chỉnh sự biểu hiện của các kháng nguyên phù hợp tế bào chính (MHC I), cho phép tăng cường trình diện các peptit có nguồn gốc từ kháng nguyên virus.
Điều này giúp tăng cường kích hoạt các tế bào T CD8 + là tiền thân của tế bào lympho T gây độc tế bào (CTL) và làm cho đại thực bào trở thành mục tiêu tốt hơn để tiêu diệt qua trung gian CTL. Interferon alfa cũng gây ra sự tổng hợp một số chất trung gian kháng vi rút chính, bao gồm 2'-5 'oligoadenylate synthetase (2'-5' A synthetase), beta-2 microglobulin, neopterin và protein kinase R.